Từ những minh chứng khoa học về bộ não trẻ sơ sinh nghĩ về chính sách giáo dục trẻ thơ

TS. Phạm Thị Mai Chi - Viện IPD 

Các công trình nghiên cứu về giáo dục trẻ thơ trên thế giới đều cho rằng: Sự phát triển trong những năm đầu đời quyết định tương lai của cả cuộc đời. Chính trong độ tuổi này, trẻ có thể tiếp thu được mọi thông tin và khối lượng kiến thức khổng lồ vào não bộ nếu được học đúng phương pháp.

Nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm chỉ ra rằng: Chúng ta đang lãng phí một nguồn tài nguyên não bộ vô cùng to lớn bởi mới chỉ khai thác được từ 3-10% khả năng kỳ diệu của não bộ.

Tiềm năng của não bộ sẽ theo quy luật giảm dần, có nghĩa là giáo dục càng muộn thì tiềm năng sẵn có của con người được phát huy càng ít. Nếu trẻ được giáo dục từ sớm trong thời kỳ vàng từ 0 (thai nhi) đến 6 tuổi thì sự phát triển về não bộ sẽ có khả năng được kích hoạt tối đa 100% do được phát triển đồng thời ở cả hai bán cầu não trái và phải, hình thành 9 loại hình trí thông minh ở các vùng của não: Trí thông minh ngôn ngữ; Trí thông minh tư duy logic - toán học; Trí thông minh không gian; Trí thông minh âm nhạc; Trí thông minh vận động thân thể; Trí thông minh tương tác; Trí thông minh nội tâm; Trí thông minh tự nhiên và Trí thông minh hiện sinh.

Đặc điểm của bộ não trẻ nhỏ
                     
Giai đoạn từ sơ sinh đến tám
tuổi và đặc biệt là từ khi sinh ra đến tuổi lên ba là thời điểm quan trọng trong sự phát triển não bộ của trẻ. Điều này là bởi vì những năm đầu của cuộc sống đặt nền tảng cho sự phát triển trí tuệ tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành. 

Từ lúc thụ thai, các tế bào thần kinh của não nhân nhanh hơn so với bất kỳ tế bào nào khác trong cơ thể của một em bé. Tốc độ phát triển não bộ nhanh chóng của bé tiếp tục suốt thời thơ ấu: lúc mới sinh, não nặng 25% trọng lượng trưởng thành của nó, lúc một tuổi đạt 50%, hai tuổi 75%, và ba tuổi 90%. Bộ não của một người trưởng thành có hơn 100 tỷ tế bào thần kinh, phần lớn trong số đó đã hình thành trong 5 tháng đầu tiên trong bụng mẹ! Mỗi tế bào thần kinh của não bộ được kết nối với khoảng 5.000 tế bào khác. Nói chung, càng có nhiều hình nhánh cây (dendrites : các nhánh nối giữa các tế bào thần kinh) và các khớp thần kinh (synapses : các kết nối giữa các tế bào thần kinh) trong não, thì năng lực xử lý thông tin của não sẽ càng lớn và thông tin truyền đi càng nhanh chóng và có thể đi theo nhiều cách, mở cửa cho tư duy nhanh hơn và phức tạp hơn để đáp ứng với sự tương tác của môi trường. Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng các tế bào thần kinh mới có thể được tạo ra trong suốt cuộc đời, nhưng có lẽ chỉ với số lượng đủ để thay thế những tế bào đã chết. Điều này đúng ở người lớn, nhưng không phải ở trẻ sơ sinh. Não của trẻ nhỏ thực sự có các khớp thần kinh nhiều hơn của người lớn - vì nó không phải qua một giai đoạn phát triển quan trọng đó là sự cắt tỉa, trong đó não xóa đi các kết nối thần kinh không cần thiết vì lợi ích của sự tổ chức và hiệu quả hoạt động.

Quy luật "Sử dụng nó hoặc đánh mất nó"

Quá trình cắt tỉa các kết nối thần kinh biểu hiện của tính mềm dẻo cao (khả năng thích ứng) của não trẻ, mà điều đó bị ảnh hưởng bởi các môi trường nuôi dạy trẻ. Thử nghiệm khoa học đã dẫn đến lý thuyết về "các thời kỳ quan trọng" – tức là khoảng thời gian đặc biệt trong đó sự kích thích não bộ phải xảy ra, nếu không cơ hội để phát triển chức năng bình thường của não bộ sẽ bị mất. Trong một thí nghiệm cổ điển, mèo con bị bịt mắt trong một số tháng sau khi sinh đã không thể nhìn thấy rõ ngay sau khi bịt mắt được gỡ bỏ. Bộ não của nó đã không có cơ hội để phát triển các con đường thần kinh cần thiết để xử lý thông tin hình ảnh. Tương tự như vậy, trẻ sơ sinh bị đục thủy tinh thể phải được chữa khỏi trong vòng vài tháng đầu tiên của cuộc sống nếu không sẽ bị hỏng thị lực vĩnh viễn.

Không có gì tai hại cho sự phát triển não bộ của em bé hơn là sự thiếu hụt kích thích.Tương tự như vậy, một sự thừa thãi kích thích thích hợp sẽ sản sinh các mạch thần kinh tốt hơn mức trung bình. Trong một nghiên cứu, chuột con được đặt vào một trong hai môi trường - một môi trường được "làm giàu" chứa đầy đồ chơi và những chướng ngại vật, và một môi trường "nghèo nàn", không có gì. Sau 80 ngày, những con chuột đã được kích thích thì có bộ não với vỏ não nặng hơn (một phần của não bộ điều khiển bộ nhớ và nhận thức), các tế bào thần kinh cũng lớn hơn, và các mạng lưới đuôi gai mọc ra phức tạp hơn.
Cùng một nguyên tắc như vậy áp dụng đối với sự phát triển não bộ của em bé. Các nhà khoa học đã phát hiện ra, ví dụ, một số khu vực của não bộ lớn hơn và phát triển hơn ở các em bé chơi nhạc cụ so với những em không chơi nhạc cụ. Chúng bao gồm tiểu não, nơi xử lý nhịp điệu và thời gian, và thể chai, nơi có tác dụng như ống dẫn để liên lạc giữa các bán cầu não trái và não phải - quan trọng cho các nhạc sĩ phối hợp tay phải và tay trái của họ.

Sự phát triển của các liên kết giữa các tế bào não theo tuổi: 

Những năm gần đây, Trung tâm NC phát triển trẻ em của Trường đại học Harvard đã đưa ra mô hình “Khung phát triển sinh học - Biodevelopmental Framework” để giúp chúng ta hiểu rõ hơn cơ chế những trải nghiệm sớm của thời kỳ sơ sinh và cả bào thai ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần trong suốt cuộc đời của con người như thế nào.  

Biodevelopmental Framework

 

Sơ đồ trên cho ta thấy: Sự phát triển lành mạnh của trẻ em cung cấp một nền tảng vững chắc cho sự phát triển thành những người công dân có trách nhiệm để xây dựng cộng đồng vững mạnh và thịnh vượng. Những tiến bộ đáng kể trong nghiên cứu khoa học thần kinh, sinh học phân tử, gene di truyền, cũng như  khoa học hành vi và xã hội đang làm sâu sắc hơn sự hiểu biết của chúng ta về cách thức phát triển trẻ khỏe mạnh xảy ra như thế nào, làm thế nào để sự phát triển đó đi đúng hướng, làm thế nào để những trải nghiệm sớm tích cực được gắn vào sự phát triển của não bộ và các hệ cơ quan khác và có tác động lâu dài đến sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như nhận thức, ngôn ngữ, và các kỹ năng xã hội của trẻ. Bằng cách xác định sớm và có thể kiểm soát được những yếu tố ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, “Khung phát triển sinh học “ này có thể giúp định hướng các mục tiêu cho việc đề xuất các chính sách và dịch vụ cho trẻ em và gia đình hiệu quả hơn.

Những trải nghiệm tích cực đặt nền móng cho sự phát triển lành mạnh, ngược lại những trải nghiệm bất lợi (các stress độc hại) có thể làm suy yếu nền tảng đó Môi trường với các mối quan hệ lành mạnh trong đó trẻ sống và phát triển bao gồm cả các thành viên trong gia đình và ngoài gia đình và bao gồm sự nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ đáp ứng kịp thời,  liên tục và nhất quán; không có sự đối xử bạo hành, thiếu trách nhiệm. Các môi trường vật lí, hóa học, xây dựng trong đó trẻ phát triển cần được bảo vệ từ sự phơi nhiễm các chất độc thần kinh, chẳng hạn như thủy ngân, chì, thuốc trừ sâu; và cần có các biện pháp bảo vệ an toàn chống lại thương tích cho trẻ, chẳng hạn như phương tiện giao thông an toàn, xây dựng khu phố an toàn, trường học an toàn, sân chơi phù hợp, và có các dịch vụ hỗ trợ xã hội. Dinh dưỡng liên quan đến sự sẵn có và khả năng tài chính để có thể mua các thực phẩm có lợi cho sức khỏe; kiến thức hiểu biết của cha mẹ và người nuôi dạy trẻ về lên kế hoạch thực đơn bữa ăn cho trẻ em đảm bảo đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết, và có các biện pháp can thiệp hiệu quả để giải quyết vấn đề calo dư thừa và bệnh béo phì sớm gia tăng hiện nay.

Những trải nghiệm của trẻ em trong từng lĩnh vực nói trên có liên quan với yếu tố di truyền và nó có thể giúp cơ thể non yếu của trẻ có sự thích nghi sinh lý (phát triển khỏe mạnh) hoặc làm gián đoạn sự phát triển. Nói cách khác, cả yếu tố gene di truyền và những trải nghiệm sớm của đứa trẻ trong năm đầu của cuộc sống có tác động lẫn nhau ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh và những khuyết tật về sức khỏe thể chất và tâm thần của trẻ, ngay từ giai đoạn trước khi sinh. Nghiên cứu cho thấy những kinh nghiệm đầu đời của đứa trẻ có thể để lại “Chữ ký hóa học - Chemical Signature) trên những gene và quyết định các gene đó được “bật” hoặc “tắt”. Điều này được biết như là " sự thích ứng biểu sinh – epigenetic adaptation", và nó định hướng cho bộ não và cơ thể của trẻ phát triển như thế nào. Quá trình này là cơ chế sinh học qua đó môi trường của các mối quan hệ, vật lý, hóa học, môi trường xây dựng và chế độ dinh dưỡng gây ra những sự thích nghi sinh lý và những sự gián đoạn mà có thể ảnh hưởng đến cuộc sống con người.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sự phát triển của não bộ và sự phát triển của trẻ thơ. Những yếu tố đó có thể xuất hiện ngay từ thời kỳ mẹ mang thai, trong quá trình chuyển dạ, sau khi đứa trẻ lọt lòng mẹ, và trong suốt thời kỳ thơ ấu của con người. Những trải nghiệm sớm đầu đời bất lợi xảy ra trong “ thời kỳ nhạy cảm” của bộ não hoặc hệ thống cơ quan khác đang phát triển sẽ có thể gây ra những hậu quả là những khuyết tật về nhận thức và thể chất của trẻ ( ví dụ khuyết tật ở sơ sinh liên quan đến sự nghiện rượu của mẹ khi mang thai); hoặc gây ra những tổn hại tích tụ dần dần , hoặc bị "hao mòn" sinh học bởi những stress lặp đi lặp lại như bị lạm dụng, bỏ bê, hoặc bị bạo lực, đặc biệt là khi có thêm những căng thẳng hàng ngày về khó khăn kinh tế của gia đình. Cơ chế sinh học này có liên quan đến hệ thống đáp ứng stress của cơ thể. Các mối quan hệ ổn định với người chăm sóc nuôi dạy sẽ giúp trẻ em học cách đối phó (Resilience) vượt qua những hoàn cảnh bất lợi có thể làm suy yếu cấu trúc của bộ não đang phát triển và các hệ thống sinh học khác. 

 Hình ảnh cấu trúc não bộ bình thường và bị ảnh hưởng bởi các stress độc hại 

Những đáp ứng sinh lý đối với những trải nghiệm sớm cũng ảnh hưởng đến các kết quả về thành tích giáo dục, năng suất kinh tế; các hành vi liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần có thể nâng cao (ví dụ, chế độ dinh dưỡng, tập luyện thường xuyên) hoặc bị đe dọa (ví dụ, hút thuốc lá, nghiện rượu, sử dụng trái phép chất gây nghiện, và các hành vi nguy cơ khác). Khi các ảnh hưởng sớm có các hệ thống sinh lý đáp ứng tích cực thì cơ thể sẽ thích nghi và khỏe mạnh. Ngược lại, với các ảnh hưởng bất lợi thì các hệ thống có thể bị rối loạn chức năng, dẫn đến suy giảm khả năng học tập, có những hành vi tiêu cực, bệnh tật, khuyết tật, và tuổi thọ ngắn ngủi. Nói cách khác, trẻ em sống trong môi trường có lợi cho sức khỏe và có các trải nghiệm sớm tích cực có xu hướng tiếp tục hoàn thành các năm học và có công việc được trả lương cao hơn, sống lối sống lành mạnh, và sống lâu, sống khỏe mạnh. Trẻ em có những trải nghiệm sớm bất lợi trong cuộc sống không có sự hỗ trợ kịp thời phù hợp từ người chăm sóc sẽ có thể phải bỏ học sớm hơn, thu nhập thấp hơn, phụ thuộc nhiều hơn vào trợ cấp xã hội, có các hành vi không lành mạnh, và có cuộc sống ngắn hơn, ốm yếu.

Như vậy Khung phát triển sinh học làm sáng tỏ tận gốc sự phát triển của thời kỳ mầm non ảnh hưởng đến các kết quả suốt đời trong học tập, hành vi, và cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Nó góp phần cung cấp những minh chứng để thúc đẩy việc xây dựng các chính sách phối hợp và các thực hành phù hợp với sự phát triển cho trẻ thơ, và thúc đẩy những sự đầu tư khôn ngoan cho giáo dục bắt đầu từ giáo dục sớm và giáo dục mầm non.

Từ những kết quả nghiên cứu nói trên, tôi xin đề cập thêm về tầm quan trọng của việc học sớm, dạy sớm.

Tại sao cần dạy trẻ từ sớm?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các kỹ năng ngôn ngữ lĩnh hội sớm trong cuộc sống dễ dàng hơn nhiều so với bất cứ thời điểm nào khác. Trẻ em còn rất nhỏ học ngôn ngữ đơn giản thông qua con đường tiếp xúc liên tục. Trẻ nhỏ có thể học hai ngôn ngữ từ khi sinh ra dễ dàng giống như chúng có thể học một ngôn ngữ. Người ta tin rằng trẻ em cũng có thể có khả năng đọc nhiều hơn một ngôn ngữ - chỉ đơn giản khi được tiếp xúc thường xuyên với chữ viết. Và không giống như ở tuổi đi học, khi việc học đọc có thể gây nhức đầu cho nhiều trẻ em, thì trẻ sơ sinh học đọc cũng tự nhiên và dễ dàng như việc học nói tiếng mẹ đẻ của mình. Vì việc đọc là một trong những kĩ năng  quan trọng nhất mà trẻ em luôn học, nên các nhà khoa học giáo dục sớm khuyến khích các bậc cha mẹ hãy bắt đầu dạy con của họ học đọc từ 4 tháng tuổi, hoặc càng sớm càng tốt. Trẻ em phát triển kỹ năng ngôn ngữ của họ -  đặc biệt là khả năng đọc trước khi bắt đầu đi học sẽ có lòng tự trọng cao hơn so với các bạn. Những đứa trẻ này cũng tỏ ra thích thú đi học vì chúng đã được trang bị những khả năng cơ bản sớm trong cuộc sống.

Cha mẹ cũng có thể bắt đầu dạy toán cho em bé từ 4 tháng tuổi, và nếu họ làm như vậy, họ sẽ có cơ hội để cung cấp cho con của mình một sự hiểu biết trực giác về môn học này.
Bởi vì đến ba tuổi rưỡi trẻ nhỏ nhận thức thế giới chủ yếu thông qua bán cầu não phải (bán cầu não trái trở nên ngày càng chiếm ưu thế sau đó). Trẻ nhỏ có thể nhận biết số lượng các chấm trên một thẻ flash mà không cần đếm, cũng giống như một số nhà bác học. Điều này cung cấp cho trẻ khả năng hiểu biết thực sự, nói được 48 là gì so với 49. Bằng cách giữ lại khả năng này để nhận biết được số lượng, ngay cả sau khi não trái của họ bắt đầu sự thống trị, trẻ em dường như có thể thực hiện phương trình toán học phức tạp mà không cần đến máy tính.

Nghiên cứu cũng cho thấy nếu cha mẹ không muốn bỏ qua giáo dục nghệ thuật cho con mình thì tốt hơn là hãy bắt đầu với âm nhạc. Tất cả các em bé đều thưởng thức một cách tự nhiên nhịp điệu và giai điệu - thậm chí trước khi sinh (chỉ cần hỏi bất kỳ người mẹ nào cũng cảm thấy cú đạp của thai nhi với những giai điệu nhất định). Học âm nhạc thì không giống như học ngôn ngữ - nó dễ dàng hơn nhiều khi bắt đầu từ sớm. Và hành động của việc học một nhạc cụ có tác động sâu sắc đối với não. Các nhạc sĩ đã được chứng minh là có thể chai lớn hơn (callosum – là một bó sợi kết nối các bán cầu não trái và não phải)–chứng tỏ khả năng đồng bộ hóa giữa hai nửa của bộ não cao hơn. Ngoài ra, các vùng não chịu trách nhiệm lập kế hoạch vận động và thực hiện, cũng như các vùng não chịu trách nhiệm nghe cũng lớn hơn ở các nhạc sĩ so với những người không phảỉ là nhạc sỹ.

Các minh chứng khoa học trên cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của những trải nghiệm từ rất sớm trên các hệ thống thần kinh của bộ não con người, đặc biệt lên bán cầu não phải. Não phải có khả năng thu nhận thông tin với số lượng lớn và tốc độ cao. Não phải là não của hình ảnh. Nó ghi nhớ các thông tin thông qua hình ảnh. Não phải cũng là não của sự cảm xúc và nó có khả năng đưa ra các ý tưởng một cách nhanh chóng, xuất thần. Có thể kích hoạt não phải cho trẻ từ sơ sinh bằng cách cho con tình yêu thương vô hạn. Em bé sẽ lớn lên trở thành một em bé biết yêu thương và có trí nhớ tuyệt vời. Thiếu sự kích thích ( thông qua 5 giác quan thực thể và giác quan thứ sáu của não phải) , hoặc kích thích tiêu cực có thể làm cho sự tăng trưởng và phát triển không thể xảy ra được hoặc rất khó khăn.

Giáo dục sớm là gì?

Ít ai biết rằng nếu mỗi ngày chỉ dành từ ba - bốn tiếng, bạn có thể giúp trẻ nhận biết được 2000 mặt chữ và bước vào giai đoạn đọc hiểu mở rộng. Cũng không phải ai cũng biết rằng nếu mỗi ngày ta chỉ cần dành năm phút để dạy trẻ học ngoại ngữ thì trẻ có thể sử dụng tốt đến hàng chục ngoại ngữ khác nhau. Nhiều người lại không tin chuyện một tuổi, trẻ không những đã biết đi mà còn có thể trượt băng nghệ thuật, hay thậm chí biết bơi trước một tuổi ! Đó chính là nhờ được giáo dục sớm (hoặc giáo dục trẻ từ sớm,  ngay từ khi em bé sinh ra đời thậm chí từ trong bụng mẹ hay thường gọi là Thai giáo). Giáo dục sớm (GDS) không chỉ phát triển về tri thức, kiến thức mà còn hình thành ở con người ngay từ nhỏ những nền tảng nhân cách lớn của một nhân tài.

Như vậy, Giáo dục sớm chính là giáo dục nhằm bồi dưỡng tố chất qua đó giúp trẻ có sự phát triển nổi trội về cả về phẩm chất trí tuệ và phẩm chất phi trí tuệ (tính cách, ý chí, nhân cách, sáng tạo, dễ dàng thích nghi, thói quen sinh hoạt, có kỹ năng tự học suốt đời thể hiện ở sự đam mê học tập, tò mò, và có óc phán đoán phân tích…). Giáo dục sớm bắt đầu từ Giáo dục gia đình trong thời kỳ sớm vô cùng quan trọng, nó giúp trẻ phát triển tối đa tiềm năng trí tuệ, bồi dưỡng nhân cách cao đẹp, khai mở tri thức cho trẻ ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển lâu dài trong suốt cuộc đời.

Giáo dục sớm là một bước đột phá của khoa học giáo dục mới, hiện đại, tập trung trong giai đoạn vàng từ 0 (thai nhi) đến 6 tuổi - thời kỳ phát triển nhanh nhất của não bộ, nhằm cung cấp những kích thích, trải nghiệm để sản sinh ra nhiều kết nối thần kinh trên bộ não trẻ, giúp trẻ đạt được những tiềm năng tối đa. Nếu bỏ qua cơ hội chỉ đến một lần trong đời của trẻ thì tiềm năng não bộ của trẻ sẽ giảm dần theo quy luật  "Sử dụng nó hoặc đánh mất nó - Use it or lose it " !

Hai Giáo sư người Thụy Điển là Hiding và Langhe đã thực nghiệm và rút ra kết luận: “Việc học tập ngay khi còn nhỏ không chỉ có tác dụng kích thích mà còn có khả năng làm thay đổi thành phần kết cấu của não bộ, làm cho các tế bào não phát triển phức tạp hơn lên, đồng thời tăng cường số lượng phân tử RNA trong tế bào não, từ đó có thể tạo ra những tế bào não có chất lượng cao, bồi dưỡng nên những con người thông minh vượt trội”. 

Nếu cha mẹ và những người nuôi dạy trẻ chỉ chú ý đến cho trẻ ăn no, mặc ấm, dinh dưỡng tốt, không bị ốm đau …thì  chưa đủ; Nuôi dưỡng bộ não không chỉ bằng dinh dưỡng của thức ăn đồ uống, mà bằng cả dinh dưỡng tinh thần, trí tuệ.  Khái niệm “Giáo dục sớm” cũng rất dễ bị hiểu nhầm thành giảng dạy, lên lớp truyền đạt kiến thức hay giải đáp thắc mắc của trẻ và phương pháp giáo dục sớm cũng rất dễ bị thực hành sai thành gò ép hay tạo áp lực cho trẻ. Giáo dục sớm cũng hay bị đánh đồng thành dạy trẻ biết đọc sớm hay làm toán sớm trong khi bản chất của chúng hoàn toàn không phải là mục tiêu mà chỉ là phương tiện giúp trẻ phát triển trí thông minh đa diện; bởi vì bản chất của giáo dục sớm không phải là dạy kiến thức, mà là phát triển tối đa tiềm năng của con người trong giai đoạn ban đầu bằng phương pháp giáo dục tự nhiên học mà chơi, chơi mà học một cách khoa học. 

Suy nghĩ về chính sách giáo dục sớm trẻ thơ ở nước ta? 

Các nhà khoa học nghiên cứu về trẻ em trên thế giới đã đặt vấn đề giáo dục trẻ từ sớm vào trong các bối cảnh:
• Sự bùng nổ của các kiến thức khoa học sinh học thần kinh và các khoa học về hành vi và xã hội
• Những biến đổi rõ rệt trong các bối cảnh kinh tế - xã hội mà các gia đình đang nuôi dạy con nhỏ
• Trong thời đại khi các tiến bộ khoa học kỹ thuật có thể được sử dụng để củng cố các chính sách và thực hành nuôi dạy trẻ thời thơ ấu, thì các kiến
thức khoa học đó thường bị bác bỏ hoặc bị bỏ qua và trẻ em đang phải trả giá.

Như vậy các câu hỏi đặt ra là:
• Làm thế nào xã hội có thể sử dụng hiểu biết mới khoa học về bộ não con người thời thơ ấu để thực thi phương pháp GDS nhằm phát triển trẻ thơ để tối ưu hóa nguồn tài nguyên nhân lực của quốc gia?
• Làm thế nào để xã hội có thể sử dụng kiến thức khoa học về GDS để bảo đảm Quyền của Trẻ em được nuôi dưỡng, bảo vệ, và phát triển một cách thực sự có hiệu quả?
 

Các nghiên cứu khoa học trên thế giới đều khẳng định Trẻ em sinh ra để học và trẻ học từ trong bụng mẹ thông qua các giác quan của não phải và các giác quan thực thể (sơ đồ). Vấn đề là người lớn làm thế nào để việc học của trẻ khai mở được tối đa tiềm năng của bộ Não !

Tài liệu tham khảo:

http://www.brillbaby.com/early-learning 

http://shichida.edu.vn

http://developingchild.harvard.edu

- https://www.youtube.com/watch?v=gmwiJ6ghLIM-Dr John Kenworthy (2013): Your Brain on Stress and Anxiety

http://khoahoc.tv/doisong/yhoc/suc-khoe/61197_ngheo-doi-co-the-anh-huong-den-su-phat-trien-nao.aspx

http://www.slideshare.net/flashcarddaycon/gio-dc-sm-ti-sao

LIÊN HỆ

HIỆP HỘI VÌ GIÁO DỤC CHO MỌI NGƯỜI VIỆT NAM
VIETNAM ASSOCIATION FOR EDUCATION FOR ALL

P2005, tòa N03T3A, khu Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
(Có thể vào từ đường Võ Chí Công, lối vào khu Star Lake)
R2005, N03T3A building, Diplomatic Compound, Xuan Tao ward, Bac Tu Liem district, Hanoi
(Accessible from Vo Chi Cong road, Star Lake entrance)


Số điện thoại/Tel: (+84)243 773 5303
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

ẢNH HOẠT ĐỘNG

Sample Image  Sample Image

Sample Image  Sample Image

Xem thêm