Tin tức chuyến công tác Mông cổ tháng 9-2015

Đầu tháng 9 năm 2015, đoàn đại biểu từ Việt Nam chúng tôi bao gồm ba đại diện từ Chi hội người Điếc Hà Nội (HAD), một phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, một thành viên Ban điều hành và điều phối viên Quốc gia Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) đã có chuyến trao đổi học tập vô cùng thú vị và hiệu quả với Liên minh Tất Cả Vì Giáo dục Quốc gia Mông Cổ (Mongolia AFE).

Mặc dù trước khi khởi hành hai phía đã thống nhất chương trình làm việc chi tiết cho thời gian ở Mông Cổ, không ai trong chúng tôi hình dung được rằng chúng tôi sẽ sử dụng tới năm ngôn ngữ trong các cuộc làm việc: Tiếng Mông Cổ, ngôn ngữ ký hiệu Mông Cổ , tiếng Anh, ngôn ngữ ký hiệu tiếng Việt và tiếng Việt. Quá trình này khá phức tạp và mất nhiều thời gian, nhưng đây thực sự là một trải nghiệm rất thú vị.

 

Gặp gỡ Liên minh Tất cả Vì Giáo Dục Quốc Gia Mông Cổ (AFE)

Các đại biểu Việt Nam đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì sự năng động của AFE Mông Cổ và các thành viên của họ cũng như những tiến bộ trong giáo dục cho người điếc tại Mông Cổ. Chúng tôi thực sự choáng ngợp trước phần trình bày và và những trao đổi cùng Hiệp hội Phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu Mông Cổ (MASLI), Hội người Điếc Quốc gia Mông Cổ, Ủy ban Quốc gia về Phát triển Ngôn ngữ Ký hiệu, Hiệp hội Phụ huynh trẻ điếc, Hiệp hội Phụ huynh trẻ khuyết tật, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Mông Cổ. Chúng tôi cũng đã có cơ hội gặp gỡ với UNICEF Mông Cổ và đại diện Bộ Giáo dục và Văn hóa Mông Cổ. Trong khi ở Việt Nam, Hiệp hội Người Điếc Quốc gia đang trong quá trình vận động thành lập và một số cha mẹ người điếc cũng như một số phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu thời gian gần đây đã bắt đầu tập hợp thành nhóm, những kinh nghiệm được các hiệp hội của người Điếc và vì người Điếc tại Mông cổ chia sẻ là vô cùng quý giá với chúng tôi. Biết rằng quá trình vận động để thành lập Hiệp hội Người Điếc Quốc gia ở Việt Nam sẽ không dễ dàng, một điều trở nên khá rõ ràng sau chuyến đi, đó là các tổ chức có liên hệ đặc biệt với người Điếc như Hội phụ huynh người điếc, hay Hội phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cần được củng cố. Các tổ chức của người nói này có vai trò vô cùng quan trọng, họ sẽ góp phần củng cố tiếng nói của người Điếc để đảm bảo quyền của người Điếc, đặc biệt là quyền giáo dục.

Thăm trung tâm thông tin cho người Điếc Mông Cổ

Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi tới thăm Trung tâm Thông tin Điếc ở Ulaanbaatar. Đây là nơi mà người điếc có thể tiếp cận nguồn thông tin đa dạng, thực hiện các hoạt động chung, tổ chức các sự kiện và bất cứ ai cho dù là người điếc hay người nghe có thể đến để tham dự các khóa học ngôn ngữ ký hiệu.  Đây là một ý tưởng tuyệt vời về những gì có thể được thực hiện ở nước ta.  Như các đại biểu điếc Việt Nam trong đoàn chúng tôi đã nói, sẽ là giấc mơ trở thành sự thật nếu có một Trung tâm thông tin như thế cho người điếc ở Việt Nam.

Chúng tôi cũng có cơ hội đến thăm trường mẫu giáo đặc biệt số 186, xuất thân từ một dự án của tổ chức phi Chính phủ (NGO) sau đó đã được bàn giao lại cho Chính phủ Mông Cổ vào năm 2012. Kể từ đó, nhà nước đã chi trả cho các hoạt động của nhà trường. Công quỹ cũng đã chi trả để mở rộng nhà trường.  Trường mẫu giáo vô cùng sạch sẽ, ấm cúng và được trang bị đầy đủ, tiện nghi. Chúng tôi đã rất xúc động khi chứng kiến trẻ khuyết tật được chăm sóc chu đáo như thế nào tại ngôi trường này.  Chúng tôi rời khỏi trường mẫu giáo 186 với một cảm giác vô cùng ấm áp và dễ chịu. Với chúng tôi, đây là một ví dụ rất cụ thể về tính bền vững mà chúng ta (các dự án NGO) cần phải học hỏi.  Bên cạnh trường mẫu giáo số 186 là trường học chuyên biệt cho người điếc số 29.  Đây cũng là một trường công lập. Trong trường số 29, tất cả các giáo viên và nhân viên bao gồm cả nhân viên bảo vệ và các lao công đều có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Chúng tôi vô cùng ấn tượng với cơ sở hạ tầng và các tiện nghi của ngôi trường nhưng trên hết là gương mặt tự tin và hạnh phúc của cá học sinh điếc mà chúng tôi gặp tại các lối đi, trên cầu thang, trong các lớp học mà chúng tôi ghé thăm tại trường số 29.  

Đoàn chúng tôi tới thăm trường học chuyên biệt cho người Điếc số 29

Cũng ngay tại Trường chuyên biệt số 29, đoàn chúng tôi cũng được tham dự buổi thuyết trình của Hội phiên dịch NN Ký hiệu Mông Cổ (MASLI) và Ủy ban Quốc gia phát triển Ngôn ngữ ký hiệu. Những kinh nghiệm về quá trình thu thập ngôn ngữ ký hiệu ở Mông Cổ, cách thức tổ chức và làm việc của MASLI, nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp phiên dịch NN ký hiệu là những thông tin tham khảo vô cùng hữu ích cho Việt Nam, vì Mông Cổ trước ta một bước trong vấn đề phát triển ngôn ngữ ký hiệu và giáo dục cho người điếc. Bản thân cũng từng là sinh viên và giáo viên người điếc, các đại biểu điếc Việt Nam đã rất ấn tượng với mô hình lớp học cho trẻ điếc do chính một giáo viên điếc Mông Cổ, cô Basanjav phát minh và chia sẻ.  Là một người điếc, để trở thành một giáo viên và hiện là cố vấn của Bộ Giáo dục và Văn hóa Mông Cổ về vấn đề giáo dục cho người điếc, cô đã vượt qua rất nhiều sự kỳ thị, phân biệt đối xử và các khó khăn khác. Và chúng tôi lại bổ sung trường số 29 vào danh sách những điều mong muốn của chúng tôi cho trẻ điếc ở Việt Nam.

Thăm Hội phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu Mông Cổ (MASLI)

Vấn đề giáo dục cho người điếc ở Mông Cổ có vẻ rất hoàn hảo. Tuy nhiên thực tế chưa hẳn là như vậy, các bạn Mông Cổ của chúng tôi đã và đang vận động cho một chương trình dạy và học bình đẳng cho học sinh điếc vì chương trình hiện tại đang bị cắt giảm so với chương trình phổ thông,  do đó hiểu biết của trẻ khiếm thính bị hạn chế hơn.  Các đồng nghiệp Mông Cổ cũng đang vận động dạy và học bằng ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ điếc, tuyển dụng bình đẳng đối với các giáo viên là người điếc và vận động cho quyền được cung cấp dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trong các hoạt động trong đời sống xã hội.

Chuyến đi thực sự đã thu được kết quả hơn cả mong đợi của bất kỳ ai trong chúng tôi.  Trong buổi đánh giá vào cuối tuần làm việc, các thành viên của AFE Mông Cổ và VAEFA đã đưa ra một vài ý tưởng hợp tác trong tương lai chẳng hạn như hội nghị thường xuyên trao đổi trên mạng, tập huấn trao đổi để xây dựng năng lực cho hội phụ huynh và hội phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu. Đối với những người nghe nói trong đoàn đại biểu Việt Nam, chúng tôi cũng đã có những phát hiện mới về người điếc (mặc dù chúng tôi đã có các hoạt động hỗ trợ giáo dục cho người điếc và ngôn ngữ ký hiệu từ năm 2012). Ví dụ, chúng tôi nhận ra rằng trong một số trường hợp, chúng tôi là những người điếc và ngược lại. Đó là trước một số buổi làm việc khi chúng tôi chờ phiên dịch NN Ký hiệu Mông Cổ tới, các đại biểu điếc của chúng tôi vẫn có thể nói chuyện với giáo viên điếc người Mông Cổ bằng ngôn ngữ ký hiệu, trong khi chúng tôi không thể nói chuyện với các bạn Mông Cổ. Tại thời điểm đó, các bạn điếc đến từ Việt Nam dịch lại câu chuyện bằng cách viết vào giấy cho chúng tôi.

Vai trò của một tổ chức khu vực như ASPBAE là vô cùng quan trọng để kết nối các tổ chức như chúng tôi.

Nguyễn Thị Kim Anh

Điều phối viên quốc gia - VAEFA

Khuyến nghị:

Bài viết cũng sử dụng thông tin từ "Báo cáo chuyến công tác Mông Cổ" của các đại biểu Chi hội Người Điếc Hà Nội  

 

 

 

LIÊN HỆ

HIỆP HỘI VÌ GIÁO DỤC CHO MỌI NGƯỜI VIỆT NAM
VIETNAM ASSOCIATION FOR EDUCATION FOR ALL

P2005, tòa N03T3A, khu Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
(Có thể vào từ đường Võ Chí Công, lối vào khu Star Lake)
R2005, N03T3A building, Diplomatic Compound, Xuan Tao ward, Bac Tu Liem district, Hanoi
(Accessible from Vo Chi Cong road, Star Lake entrance)


Số điện thoại/Tel: (+84)243 773 5303
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

ẢNH HOẠT ĐỘNG

Sample Image  Sample Image

Sample Image  Sample Image

Xem thêm