Thông cáo Báo chí tuần lễ GAW 2015

Viết bởi Admin on . Posted in Thông cáo Báo chí

Thông cáo Báo chí

Mọi người đều có quyền được Giáo dục – Hãy bỏ phiếu cho Giáo dục

Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2015

Mười lăm năm trước đây, các nhà lãnh đạo thế giới từ 164 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết đạt được mục tiêu Giáo dục cho Mọi người (GDCMN) vào năm 2015, theo đó tất cả mọi người đều có quyền được giáo dục. Tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới do UNESCO phối hợp tổ chức cùng Bộ Giáo dục Hàn Quốc, và đồng chủ tọa với UNDP, UNFPA, UNICEF, UN Women, UNHCR và Nhóm Ngân hàng Thế giới từ ngày 19-22 tháng 05 năm 2015 tại Incheon, Hàn Quốc, các nước đã cùng nhau rà soát tiến độ thực hiện các mục tiêu GDCMN và ghi nhận rằng, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể, có những bằng chứng rõ ràng cho thấy các mục tiêu GDCMN vẫn chưa đạt được vào năm 2015. Diễn đàn đã thông qua Tuyên bố Incheon về nền Giáo dục tương lai và ghi nhận tầm quan trọng của một nền giáo dục hòa nhập, công bằng, có chất lượng cũng như đảm bảo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.

 

Giáo dục là chìa khóa để chấm dứt nghèo đói vào năm 2030, như Tổng thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon, đã khẳng định tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới "Chúng ta không thể gọi thế giới này là thịnh vượng được nếu nó không đủ giàu để có thể đảm bảo giáo dục cho thế hệ con cháu mình." 


Giáo dục trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái và do đó góp phần tạo ra một xã hội hùng mạnh. Trung bình nếu một người mẹ được đi học thêm một năm, thì con cái của người đó sẽ được học ở trường thêm 0,32 năm. Nếu mọi trẻ em gái đều hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học thì nạn tảo hôn sẽ giảm đáng kể và sẽ giảm được 64% nếu các em hoàn thành được chương trình trung học. Nếu mọi phụ nữ hoàn thành giáo dục tiểu học, số ca tử vong khi sinh con trên toàn thế giới sẽ giảm tới 66%. Ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thấp, tỷ lệ trẻ tử vong dưới 05 tuổi ước tính sẽ giảm 15% nếu mọi phụ nữ hoàn thành giáo dục tiểu học và sẽ giảm 49% nếu mọi phụ nữ hoàn thành giáo dục trung học. Đông thời, cứ học thêm 01 lớp sẽ giúp tăng thu nhập cá nhân lên 10%.

Tuần lễ Toàn cầu Hành động (GAW) vì Giáo dục cho Mọi người (GDCMN) ở Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội ngày hôm nay với thông điệp "Mọi người đều có quyền được giáo dục! Hãy bỏ phiếu cho giáo dục!", một lần nữa cho thấy quyền được giáo dục của mỗi người cần phải được thúc đẩy và bảo vệ và cần đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất có thể tiếp cận một nền giáo dục có chất lượng, không phân biệt đối xử ..

Các thành tựu GDCMN của Việt Nam và các thách thức cần giải quyết

Để thực hiện các mục tiêu GDCMN, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia (KHHĐQG) về GDCMN giai đoạn 2003-2015 và kế hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Kế hoạch hành động đặt ưu tiên rõ ràng cho tất cả sáu mục tiêu GDCMN và nhấn mạnh sự chuyển hướng chiến lược từ thành tựu về số lượng sang nâng cao chất lượng giáo dục.

Việt Nam đã được tuyên dương với các thành tựu đạt được và cam kết  của mình trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu GDCMN. Theo Báo cáo đánh giá quốc gia về GDCMN năm 2015, tiếp cận của các nhóm dân tộc thiểu số trong chăm sóc và giáo dục mầm non (GDMN) đã tăng lên –trẻ em dân tộc thiểu số tham gia giáo dục tiền tiểu học chiếm 16,32% tổng số trẻ em trong độ tuổi đến trường; 99% quận/huyện báo cáo đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (06 tuổi).

Hầu hết các tỉnh có các lớp học hoà nhập cho trẻ khuyết tật; hàng ngàn giáo viên trung học cơ sở được tập huấn và có kiến thức, kỹ năng cần thiết để dạy trẻ khuyết tật; và nhiều giáo viên đã phát huy được vai trò của mình trong giáo dục trẻ khuyết tật. Tỷ lệ biết chữ của giới trẻ trên toàn quốc đạt mức 96,8% năm 2013, trong đó tỷ lệ biết chữ của thanh niên dân tộc thiểu số chỉ đạt 90,2%. Bên cạnh đó, tỷ lệ người trưởng thành biết chữ tăng từ 86,24% năm 2002 lên tới 89,1% năm 2012, trong khi đó tỷ lệ người trưởng thành dân tộc thiểu số biết chữ chỉ đạt 73,1% năm 2012.

Chất lượng giáo dục đã cải thiện nhờ có chú trọng vào kết quả học tập được công nhận và có thể đo lường được, đặc biệt là với kỹ năng đọc, tính toán, các kỹ năng sống cần thiết, cũng như việc xây dựng một xã hội học tập hướng tới học tập suốt đời. Trong năm 2012, Việt Nam được xếp trong top 20 quốc gia và vùng kinh tế có điểm chuẩn các lĩnh vực cao hơn điểm trung bình của OECD. Chính phủ Việt Nam liên tục phân bổ 20% ngân sách quốc gia cho giáo dục kể từ năm 2007, duy trì cam kết mạnh mẽ nhằm tăng cường cơ hội hưởng một nền giáo dục có chất lượng ở cấp quốc gia. Sự tham gia của cộng đồng vào các trường học đang ngày càng gia tăng nhằm đảm bảo quyền học tập cho trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành.

Tuy nhiên, vẫn còn những chênh lệch giữa các nhóm giàu và nghèo và giữa các vùng miền khác nhau. Học sinh dân tộc thiểu số ở cấp tiểu học vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng tiếng Việt và tỷ lệ nhập học trung học cơ sở vẫn còn rất khác biệt giữa các vùng, với mức nhập học thấp hơn ở các khu vực khó tiếp cận thuộc Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khoảng 700.000 trẻ khuyết tật vẫn chưa đăng ký đi học. Để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của nền giáo dục chất lượng và của nền kinh tế  thì cần tăng cường hơn nữa các khoản đầu tư và nguồn lực cho giáo dục.

Hướng tới một nền giáo dục hòa nhập, công bằng và chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho mọi người

Tuyên ngôn Incheon về Tương lai của Giáo dục sẽ được thực hiện thông qua Khung Hành động Giáo dục năm 2030 mà các quốc gia thành viên sẽ thông qua vào cuối năm 2015. Để đạt được nền giáo dục chất lượng cho mọi người, cần xây dựng một hệ thống giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời ở tất cả các cấp học, với các hình thức khác nhau (như giáo dục chính quy, phi chính quy, giáo dục công lập và ngoài công lập) và các nội dung, phương pháp và ý tưởng mới tập trung vào xây dựng năng lực. Một đội ngũ giáo viên được đào tạo tốt, có trình độ chuyên môn cao, có động lực và được hỗ trợ tốt là chìa khóa đảm bảo chất lượng giáo dục. 

Tuần lễ Hành động

Chiến dịch Tuần lễ Hành động Toàn cầu năm nay ở Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các đối tác phát động với chủ đề "Quyền được Giáo dục 2000-2030 – Hãy bỏ phiếu cho Giáo dục!"

Chiến dịch nhằm nêu bật những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu GDCMN giai đoạn 2000-2015 và những thách thức hiện có cần giải quyết nhằm thực hiện các mục tiêu chưa đạt được đến năm 2030. Chiến dịch cũng hướng tới việc tăng cường thực hiện các chính sách, chương trình và giải pháp nhằm đạt được một nền giáo dục có chất lượng, hòa nhập, công bằng và cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.

Tuần lễ Hành động Toàn cầu tạo cơ hội tăng cường hơn nữa sự hợp tác không ngừng giữa Chính phủ Việt Nam, cộng đồng quốc tế, xã hội dân sự, khu vực tư nhân và truyền thông nhằm tiến tới tầm nhìn chung là đảm bảo một nền giáo dục có chất lượng, hội nhập, công bằng và cơ hội học tập suốt đời cho mọi người ở Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi các nỗ lực chung của tất cả các ngành, vì chúng ta đều có trách nhiệm trong việc thực hiện mục tiêu này.

Thông tin về Tuần lễ Toàn cầu Hành động

Tuần lễ Toàn cầu Hành động là một sự kiện thường niên do Chiến dịch Toàn cầu về Giáo dục -  Liên minh các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và công đoàn giáo viên – phát động nhằm nâng cao nhận thức và vận động cho cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng, có chất lượng hơn nhằm đạt được các mục tiêu GDCMN.

Kể từ khi Tuần lễ Toàn cầu Hành động đầu tiên được tổ chức, với sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức của Liên Hợp Quốc do UNESCO và UNICEF làm đầu mối, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Việt Nam hằng năm đã tích cực tổ chức thành công Tuần lễ Toàn cầu Hành động và kêu gọi các đối tác, mạng lưới tiếp tục tham gia vào chiến dịch giáo dục cho mọi trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn.

Để biết thêm thông tin về Tuần lễ Toàn cầu Hành động, vui lòng truy cập website Chiến dịch Toàn cầu về Giáo Dục tại http://www.campaignforeducation.org/en/global-action-week/global-action-week-2015

Thông tin liên hệ:

Ông Nguyễn Hồng Sơn

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Ủy viên Ban Điều phối về GDCMN

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Mobile: 0913 204 760

 

Bà Hoàng Nguyệt Minh

Điều phối viên Chương trình Truyền thông Thông Tin

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Tel .: +84 (4) 37 47 02 75 / (ext. 31). Fax: +84 (4) 37 47 02 74,

Mobile: 0913 202 562

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng

Cán bộ Chương trình và Tài chính

Hiệp hội  Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Điện thoại: +84 4 773 5303

 

Mobile: 091 253 8839 

LIÊN HỆ

HIỆP HỘI VÌ GIÁO DỤC CHO MỌI NGƯỜI VIỆT NAM
VIETNAM ASSOCIATION FOR EDUCATION FOR ALL

P2005, tòa N03T3A, khu Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
(Có thể vào từ đường Võ Chí Công, lối vào khu Star Lake)
R2005, N03T3A building, Diplomatic Compound, Xuan Tao ward, Bac Tu Liem district, Hanoi
(Accessible from Vo Chi Cong road, Star Lake entrance)


Số điện thoại/Tel: (+84)243 773 5303
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

ẢNH HOẠT ĐỘNG

Sample Image  Sample Image

Sample Image  Sample Image

Xem thêm